logo
VIÊM MÀNG NÃO CÓ THỂ GÂY TỬ VONG TRONG 24 GIỜ NHIỄM BỆNH

Viêm màng não là bệnh lý thần kinh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong trên 50%. Khoảng 30-50% trẻ sau điều trị có nguy cơ gánh chịu các biến chứng nghiêm trọng như: điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ… Quỹ Nghiên cứu Viêm màng não (Anh) cũng cho biết, khoảng 21% trẻ sống sót sau viêm màng não bị mất thính lực.

Viêm màng não là gì?

Viêm màng não là căn bệnh liên quan đến nhiễm trùng của màng bảo vệ bao quanh não và tủy sống, do vi khuẩn hoặc vi trùng sau khi đi vào cơ thể sẽ vào máu, sau đó xâm nhập vào màng não và gây bệnh. Viêm màng não là bệnh nguy hiểm, có thể xuất hiện quanh năm, dẫn đến những hậu quả nặng nề không chỉ cho trẻ em mà cả người lớn, thậm chí gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

“Thủ phạm” gây bệnh viêm màng não

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não, tuy nhiên, 3 nguyên nhân dưới đây được xem là tác nhân hàng đầu gây bệnh:

1. Viêm màng não do phế cầu khuẩn

Phế cầu là một trong những “thủ phạm” hàng đầu gây nên các bệnh lý về đường hô hấp mà chủ yếu là ở trẻ nhỏ, nguy hiểm nhất là viêm màng não do phế cầu với tỷ lệ tử vong lên đến 30%.

Vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) thường trú trong hầu họng người lớn và trẻ em, có 40-70% trẻ khỏe mạnh mang phế cầu vùng mũi họng. Phế cầu khuẩn gây ra những bệnh lý nghiêm trọng đe dọa sức khỏe và tính mạng người bệnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa, nặng hơn nữa là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Đáng lo ngại, viêm màng não là bệnh khó phát hiện và nguy hiểm nhất.

2. Viêm màng não do não mô cầu khuẩn

Viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Vi khuẩn N.meningitidis được phân loại thành 12 nhóm huyết thanh dựa trên polysacarit dạng nang. Trong đó, các nhóm huyết thanh A, B, C, W, X và Y là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm màng não do não mô cầu khuẩn.

Ngay cả khi được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong vì bệnh viêm màng não do não mô cầu khuẩn cũng rất cao: từ 5% đến 15%. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, bệnh viêm màng não do não mô cầu khuẩn là nguyên nhân gây ra 171.000 ca tử vong vào năm 2000; cho đến nay, đây vẫn là căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ cao đe dọa sức khỏe và tính mạng con người tại nhiều quốc gia.

“Viêm màng não do não mô cầu khuẩn tiến triển rất nhanh và khó phát hiện trong giai đoạn sớm vì triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và tử vong chỉ trong 24h”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cảnh báo.

3. Viêm màng não do Hib

Vi khuẩn Haemophilus influenzae type B (Hib) là nguyên nhân gây ra viêm màng não mủ, đây là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất ở các trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi, kế đến là phế cầu khuẩn, não mô cầu và tụ cầu khuẩn. Vi khuẩn Hib tồn tại ở mũi, họng, lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp, qua dịch tiết mũi – họng do ho, hắt hơi.

Trên thế giới, hàng năm, ước tính khoảng 8 triệu trường hợp viêm phổi, viêm màng não mủ và khoảng 400.000 trẻ tử vong do Hib. Cứ 20 trẻ bị viêm màng não mủ do Hib sẽ có 1 trẻ tử vong, ngay cả khi được điều trị kịp thời.

Tại Việt Nam, theo thống kê năm 2000 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hợp tác với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương tiến hành, ước tính Hib gây ra 625 trường hợp viêm màng não mỗi năm. Hib là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não cấp do vi khuẩn ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm từ 1/3-1/2 số trường hợp viêm màng não do vi khuẩn.

Bệnh viêm màng não lây nhiễm như thế nào?

Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, Neisseria meningitidis và Hib phát triển thuận lợi vào mùa đông – xuân, thời gian ủ bệnh từ 2 -10 ngày. Vi khuẩn lây truyền nhiều nhất qua đường không khí và khi tiếp xúc với người bị bệnh hoặc những người khỏe mạnh có mang vi khuẩn trong người. Các hành động như hắt hơi, ho, hôn hoặc trẻ em chơi chung đồ chơi đều tiềm ẩn nguy cơ phát tán vi khuẩn gây bệnh và lây nhiễm viêm màng não. Tất cả trẻ đều có thể bị nhiễm viêm màng não, nhưng nguy cơ này gia tăng ở nhóm trẻ tại nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo.

Thống kê sau nhiều đợt dịch viêm màng não do 3 vi khuẩn trên cho thấy, có trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và trên 50% người khoẻ mạnh đang mang vi khuẩn viêm màng não trong cơ thể.

Dấu hiệu nhận biết viêm màng não là gì?

Triệu chứng điển hình của viêm màng não bao gồm: sốt, đau đầu, cứng gáy, sợ ánh sáng, buồn nôn, nôn và các dấu hiệu rối loạn chức năng não (như lơ mơ, lú lẫn, hôn mê) có thể cấp tính trong vài giờ đến vài ngày hoặc lâu hơn đến hàng tuần. Thông thường, các triệu chứng xuất hiện không điển hình, đầy đủ ở các nhóm bệnh nhân cao tuổi, nhất là khi có bệnh nền kèm theo (đái đường, bệnh gan, bệnh thận); bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính; bệnh nhân suy giảm miễn dịch khác như người ghép tạng, bệnh nhân HIV/AIDS.

Trẻ mắc bệnh thường sốt cao và đau đầu trong vài giờ, hoặc kéo dài 1-2 ngày. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện gồm nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng, ăn mất ngon, rối loạn ý thức, bứt rứt, ngủ lơ mơ. Nếu không phát hiện sớm, viêm màng não có thể để lại di chứng thần kinh cho trẻ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo: “Ở trẻ em, biểu hiện đầu tiên của bệnh là nôn và co giật, trẻ sốt cao trên 39 độ C, ho và chảy nước mũi kèm theo thóp phồng, bụng chướng và tiêu chảy. Ở trẻ nhũ nhi, biểu hiện đầu là bú kém, bỏ bú, quấy khóc cứng cổ, da xanh xao vì thiếu máu. Bệnh tiến triển rất nhanh, nếu không được điều trị kịp thời, 20-50% trẻ bị viêm màng não sẽ tử vong.

” Cảnh giác với biến chứng của bệnh viêm màng não

Viêm màng não là bệnh lý nguy hiểm khó lường vì xảy ra ở vị trí nhạy cảm như hệ thần kinh. Bệnh phát triển rất nhanh, diễn tiến nặng nếu can thiệp muộn thì sẽ có nhiều nguy cơ để lại di chứng thần kinh vĩnh viễn như:

• Tổn thương não

• Tràn dịch dưới màng cứng (tích tụ chất lỏng giữa hộp sọ và não)

• Não úng thủy (tích tụ chất lỏng bên trong hộp sọ dẫn đến sưng não)

• Mất thính lực, câm

• Liệt tay chân

• Lác mắt

• Động kinh

• Sa sút trí tuệ, mất khả năng học tập

Khảo sát tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) trong giai đoạn 2001 – 2009 cho thấy, 80% bệnh nhân viêm màng não là trẻ dưới 6 tuổi. Tỷ lệ lành bệnh hoàn toàn sau khi xuất viện chỉ 70%. Không chỉ vậy, có đến khoảng 21% trẻ sống sót sau viêm màng não bị mất thính lực. Một số hệ lụy lâu dài khác có thể kể đến như rối loạn khả năng học tập, sử dụng ngôn ngữ, di chuyển, thỉnh thoảng lên cơn co giật.

Từ những hậu quả kể trên có thể thấy viêm màng não không chỉ là mối đe dọa đối với sức khỏe của trẻ mà còn là gánh nặng to lớn đối với gia đình, xã hội và ngành y tế.

Điều trị bệnh viêm màng não ra sao?

Dù viêm màng não rất nguy hiểm nhưng tỷ lệ trẻ được phát hiện và nhập viện điều trị thường ở tình trạng đã nặng do phụ huynh nhầm lẫn triệu chứng bệnh với những biểu hiện cảm cúm thông thường, viêm họng, mũi, sốt siêu vi và tự ý mua thuốc điều trị tại nhà đang rất đáng báo động. Đến khi trẻ có những biểu hiện sốt cao kèm theo co giật, mê sảng thì mới đưa trẻ nhập viện, lúc này bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên, phụ huynh nếu thấy trẻ có một vài triệu chứng, như: quấy khóc, sốt li bì, co giật, nôn, thóp phồng,… cần nghĩ đến bệnh viêm màng não và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Đặc biệt, không được tự ý mua thuốc cho trẻ uống vì bệnh không khỏi mà còn làm cho dấu hiệu bệnh càng không rõ ràng, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị.

Bố mẹ đừng chủ quan với bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn, mô cầu khuẩn và Hib ở trẻ

Tiêm vắc xin – “lá chắn” bảo vệ sức khỏe khỏi viêm màng não

Viêm màng não do phế cầu, não mô cầu và Hib gây ra hậu quả vô cùng nặng nề. Nhưng thật may mắn vì chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống chọi với nguồn lây bệnh. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, Cố vấn cao cấp Hệ thống Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn BVNĐ cho biết: “Ngoài các cách phòng bệnh như: giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời,… thì tiêm vắc xin chính là biện pháp phòng bệnh chủ động và tối ưu nhất.”

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc tiêm chủng ngừa cho trẻ từ sớm sẽ giúp giảm thiểu tác hại của viêm màng não do vi khuẩn gây ra. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh rằng tiêm chủng được xem là biện pháp chủ động, hiệu quả, tiết kiệm, đơn giản nhưng có ý vai trò vô cùng quan trọng giúp giảm số ca bệnh mắc mới.

VNVC luôn có sẵn các loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn, não mô cầu khuẩn và Hib, cụ thể:

• Đối với viêm màng não do phế cầu khuẩn, có hai loại vắc xin phế cầu cho trẻ em và người lớn là vắc xin Synflorix (Bỉ), có thể tiêm cho trẻ từ sớm (6 tuần tuổi đến 5 tuổi), và vắc xin Prevenar 13 (Bỉ), có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên lẫn người lớn. Trẻ trên 5 tuổi, người cao tuổi và người mắc các bệnh lý mạn tính trước đây không có vắc xin phòng bệnh do phế cầu khuẩn thì hiện nay có thể tiêm vắc xin Prevenar 13.

• Đối với viêm màng não do mô cầu khuẩn, có hai loại vắc xin là Mengoc BC (CuBa) phòng các bệnh do mô cầu khuẩn tuýp BC, cho trẻ 6 tháng tuổi đến 45 tuổi và vắc xin Menatrac (Mỹ) phòng cho các bệnh do mô cầu khuẩn tuýp (A,C,Y,W – 135) cho trẻ 6 tháng tuổi đến 55 tuổi.

• Đối với viêm màng não do Hib, BVNĐ luôn có đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh gồm: Pentaxim (Pháp), Infanrix (Bỉ), Hexaxim (Pháp) và Quimi – Hib (CuBa). Với những chủng loại vắc xin đa dạng, có thể nói VNVC là “tấm khiên’’ vững chắc bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.

Tiêm phòng đủ mũi, đúng lịch giúp trẻ tạo được hệ miễn dịch “vững chắc” trước các bệnh nguy hiểm

Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc có thắc mắc cần giải đáp, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ:

CÔNG TY CP. BỆNH VIỆN QUỐC TẾ NHÂN ĐỨC

Địa chỉ: Khu Lãm Làng, P. Vân Dương, TP. Bắc Ninh

Tel: 1900636255,

Hotline: 0888456115

Email: clinic.nhanduc@gmail.com Wedsite: http://benhvienquoctenhanduc.com

 

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận