logo
Viêm gan “bí ẩn” ở trẻ em

Thông tin cập nhật

Từ tháng 10/2021, CDC Hoa Kỳ đã có những báo cáo đầu tiên về 5 ca viêm gan cấp tính nặng ở trẻ em từ 1 đến 6 tuổi không phải do virus Viêm gan A, B, C, D, E hay các nguyên nhân cấp tính khác gây ra. Các ca này test dương tính với virus Adenovirus, một loại virus cảm thông thường rất hay gặp. Cả 5 em đều khỏe mạnh, không có bệnh nền, và đột nhiên bị viêm gan cấp tính rất nặng. Cả 5 bé đều phục hồi tốt.

Đầu tháng 4 năm nay, Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em. Sau đó, tình trạng này lan sang hơn 23 quốc gia khác như Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Israel, Đức, Đan Mạch, Nhật Bản, Indonesia…(4)

Vào ngày 11 tháng 5, CDC Châu Âu đã báo cáo tổng cộng 449 trường hợp có thể xảy ra ở 27 quốc gia bao gồm từ Châu Âu, Châu Mỹ (Bắc, Trung và Nam), Châu Á và Trung Đông. Số ca mắc cao nhất cho đến nay là: Anh (163), Mỹ (109), Ý (35), Tây Ban Nha (22), Brazil (16), Indonesia (15), Israel (12), Thụy Điển (9), Argentina (8), Nhật Bản (7) và Canada (7). Đã có 5 ca tử vong, một số ca cần ghép gan.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào.

Tại sao gọi là Viêm gan “bí ẩn”?

Viêm gan là viêm sưng ở các tế bào gan. Hiện nay nguyên nhân gây bệnh cảnh viêm gan này chưa rõ ràng. Mặc dù Adenovirus hiện là một trong những giả thuyết là nguyên nhân cơ bản, nhưng nó không giải thích đầy đủ mức độ nghiêm trọng của bệnh cảnh lâm sàng.

Nhiễm Adenovirus loại 41 trước đây không liên quan đến biểu hiện lâm sàng như vậy. Adenovirus là tác nhân gây bệnh phổ biến thường gây nhiễm trùng tự giới hạn. Chúng lây lan từ người sang người và phổ biến nhất là gây bệnh đường hô hấp, nhưng tùy thuộc vào loại, cũng có thể gây ra các bệnh khác như viêm dạ dày ruột (viêm dạ dày hoặc ruột), viêm kết mạc (mắt đỏ) và viêm bàng quang (nhiễm trùng bàng quang). Có hơn 100 loại adenovirus khác biệt về mặt miễn dịch có thể gây nhiễm trùng ở người. Adenovirus loại 41 thường biểu hiện như tiêu chảy, nôn mửa và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp. Trước đây đã có trường hợp adenovirus gây viêm gan nặng ở trẻ em, nhưng rất hiếm khi xảy ra và chỉ xảy ra ở trẻ có hệ miễn dịch bị suy giảm. Do đó, việc gia tăng đột ngột về số lượng ca bệnh viêm gan ở trẻ khỏe mạnh trong thời gian gần đây người ta nghi ngờ có thể là do Adenovirus đột biến gây ra.

Nhiều người lo ngại viêm gan bí ẩn ở trẻ em liên quan đến COVID -19, tuy nhiên, các bằng chứng hiện nay cho thấy không có sự liên quan giữa viêm gan ở trẻ em và COVID-19 hoặc Vaccin Covid-19 và cần được nghiên cứu thêm.

Triệu chứng viêm gan “bí ẩn” là gì?

Nhìn chung, biểu hiện lâm sàng của viêm gan bí ẩn giống với bệnh viêm gan virus cấp tính do virus viêm gan A, B, C, D và E.

- Giai đoạn ban đầu (giai đoạn tiền vàng da): Chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng (đặc biệt là ở góc trên bên phải) và sốt nhẹ. Giai đoạn này kéo dài vài ngày đến hơn một tuần.

- Giai đoạn vàng da: khi bệnh phát triển, sẽ xuất hiện các dấu hiệu viêm gan cấp nặng với nồng độ men gan tăng rất cao, tiểu sậm màu, vàng mắt, vàng da, phân nhạt màu.

Điều trị viêm gan ở trẻ em hiện nay thế nào?

Việc điều trị chủ yếu tập trung vào hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng. Gan hoàn toàn có khả năng tự chữa lành, không cần phải lo lắng về di chứng sau khi lành bệnh. Trong trường hợp viêm gan nặng, trẻ cần được theo dõi ở ICU, ghép gan có thể cần thiết.

Bố mẹ nên làm gì?

Vì Aenovirus là “kẻ tình nghi” số một, do đó hiện tại bố mẹ nên biết biện pháp phòng nhiễm bệnh virus này cho trẻ em. Adenovirus có thể lây lan từ người sang người qua giọt bắn đường hô hấp, tiếp xúc với bề mặt hoặc đồ vật bị nhiễm dịch tiết, chất tiết của người bệnh và lây qua đường tiêu hóa. Do đó, phụ huynh và người dân nói chung nên:

• Đeo khẩu trang

• Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn

• Tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng tay chưa rửa

• Tránh tiếp xúc với phân, vệ sinh cẩn thận sau khi thay tã cho trẻ

• Thực hiện ăn chín, uống sôi.

• Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh

• Cho bé chích vaccine đầy đủ, như vaccin viêm gan A, B. Đặc biệt lưu ý đến các triệu chứng: mệt mỏi, biếng ăn, ói mửa, đau bụng, nước tiểu đậm, phân không có màu, đau khớp, và vàng da, vàng mắt... để đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời.

Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc có thắc mắc cần giải đáp, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ:

CÔNG TY CP. BỆNH VIỆN QUỐC TẾ NHÂN ĐỨC

Địa chỉ: Khu Lãm Làng, P. Vân Dương, TP. Bắc Ninh

Tel: 1900636255,

Hotline: 0888456115

Email: clinic.nhanduc@gmail.com Wedsite: http://benhvienquoctenhanduc.com

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận