logo
tăng huyết áp

TĂNG HUYẾT ÁP

25-07-2018 07:24
 

Bệnh tăng huyết áp là một trong những bệnh lý thường gặp, có tỷ lệ người mắc cao. Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, tăng huyết áp có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh.

1. Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp là một hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, phản ánh tình trạng gia tăng áp lực máu trong các động mạch của đại tuần hoàn.

  •  Huyết áp bình thường: Huyết áp động mạch tối đa < 140 mmHg và huyết áp động mạch tối thiểu < 90 mmHg.
  • Tăng huyết áp: Huyết áp động mạch tối đa ≥ 140 mmHg và huyết áp động mạch tối thiểu ≥ 90 mmHg.

“Ảnh minh họa”

2. Nguyên nhân gây tăng huyết áp

Tăng huyết áp thứ phát (chiếm 11-15% tổng số trường hợp tăng huyết áp)-  Nguyên nhân tại thận (chiếm khoảng 5-8%) gồm: Viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn mắc phải hoặc di truyền; thận đa nang, ứ nước bể thận, u tăng tiết renin, bệnh mạch thận (3-4%)…

  • Nguyên nhân do nội tiết: Cường aldosteron nguyên phát (0,5-1%), phì đại thượng thận bẩm sinh, hội chứng Cushing (0,2-0,5%), u tuỷ thượng thận (0,1-0,2%), tăng calci máu, bệnh to đầu chi, cường giáp…
  • Nguyên nhân khác (khoảng 1%) gồm: Hẹp eo động mạch chủ, nhiễm độc thai nghén, bệnh đa hồng cầu, nguyên nhân thần kinh (toan hô hấp, viêm não, tăng áp lực nội sọ…).

“Ảnh minh họa”

Tăng huyết áp nguyên phát (chiếm tỷ lệ 85-89% trường hợp tăng huyết áp)

  • Yếu tố di truyền
  • Yếu tố biến dưỡng: Thừa cân – béo phì, xơ mỡ động mạch, bệnh thận, tiểu đường, chế độ ăn nhiều muối, chất béo…
  • Yếu tố tâm thần kinh: Căng thẳng – stress
  • Yếu tố nội tiết: Thời kỳ tiền mãn kinh, dùng thuốc ngừa thai…

3. Yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp

  • Tuổi tác: Nguy cơ tăng huyết áp tăng cùng với tuổi , nhất là ở người từ 45 tuổi trở lên
  • Thừa cân – béo phì: Người thừa cân BMI ≥ 23, nam vòng bụng ≥ 90 cm, nữ vòng bụng ≥ 80 cm.
  • Sử dụng rượu bia, thuốc lá
  • Ăn nhiều muối, ít rau quả.
  • Ít hoạt động thể lực
  • Căng thẳng tâm lý…

4. Triệu chứng của tăng huyết áp

Đa số bệnh nhân bị tăng huyết áp không có triệu chứng mà chỉ phát hiện được khi đo huyết áp.Những dấu hiệu, triệu chứng hay gặp của tăng huyết áp là:

  • Choáng váng, nhức đầu.
  • Mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt.
  • Khó thở, đau tức ngực, hồi hộp.
  • Đỏ mặt, buồn nôn.
  • Đo huyết áp động mạch tối đa ≥ 140 mmHg và huyết áp động mạch tối thiểu ≥ 90 mmHg.

5. Các biến chứng của tăng huyết áp

Tăng huyết áp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể để lại di chứng và ảnh hưởng đến cuộc sống, thậm chí có thể lấy đi tính mạng của người bệnh.Dưới đây là một số biến chứng của tăng huyết áp có thể gặp ở các cơ quan:

“Ảnh minh họa”

  • Nhồi máu cơ tim
  • Nhồi máu cơ tim
  • Đột qụy
  • Suy tim
  • Bệnh thận
  • Mất thị lực
  • Rối loạn tình dục
  • Bệnh mạch vành

6. Điều trị tăng huyết áp.
Nguyên tắc điều trị:

  • Tăng huyết áp là bệnh mạn tính nên cần theo dõi lâu dài, điều trị đúng và đủ một cách liên tục. Mục tiêu điều trị là nhằm giảm tối đa nguy cơ tim mạch trước mắt cũng như lâu dài, ngăn ngừa tiến triển của tăng huyết áp, phòng ngừa các biến chứng và tử vong do nguyên nhân tim mạch, kéo dài tuổi thọ và chất lượng sống…
  • Huyết áp mục tiêu cần đạt là dưới 140/90mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Khi điều trị đã đạt được huyết áp mục tiêu thì cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài kèm theo việc theo dõi chặt chẽ, định kỳ để kiểm soát huyết áp ở mức ổn định, an toàn.

“Ảnh minh họa”

* Điều trị bằng thuốc:

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp, nhưng mỗi thuốc này có những ưu nhược điểm riêng và phù hợp với từng đối tượng người bệnh khác nhau. Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc vì dùng thuốc không đúng có thể khiến bệnh tăng huyết áp thêm trầm trọng, gây khó khăn cho việc điều trị và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Các nhóm thuốc hay được sử dụng là:

  • Nhóm các thuốc lợi tiểu.
  • Nhóm chẹn kênh canxi.
  • Nhóm chẹn beta giao cảm.
  • Nhóm chẹn alpha giao cảm.
  • Nhóm ức chế men chuyển.
  • Nhóm chẹn thụ thể angiotensin.
  • Nhóm tác động thần kinh trung ương.

 *Thay đổi lối sống

Bên canh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cần phải thay đổi lối sống để hỗ trợ việc điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát, tiến triển nặng hơn. Cụ thể:

  • Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng; ăn nhạt; tăng cường rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo.
  • Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 – 23kg/m2.
  • Cố gắng duy trì vòng bụng dưới  90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
  • Hạn chế uống rượu, bia.
  • Không hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
  • Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp.
  • Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tránh bị lạnh đột ngột…

*Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết thêm thông tin chi tiết và chính xác,
vui lòng liên hệ 02223.862.300 hoặc 1900.636.255 để được tư vấn cụ thể.

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận