logo
ADENOVIRUS Ở TRẺ EM: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Nhiều phụ huynh đã hết sức lo lắng khi số ca nhiễm ADENOVIRUS ở trẻ em tăng mạnh, 7 trường hợp đã tử vong. Trẻ nhập viện với có các biểu hiện khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, SpO 2 < 94%, nôn không uống thuốc được, co giật, trẻ có bệnh nền… Bệnh do virus Adeno gây ra không quá xa lạ, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân – Hè hoặc Thu – Đông. Tuy nhiên, từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh virus Adeno dương tính tăng cao. Theo thông tin mới nhất tổng số ca nhiễm virus Adeno ghi nhận trong toàn bệnh viện từ đầu năm 2022 là 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú 811 (chiếm gần 58%) với 7 ca tử vong. Hiện bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa, chỉ được điều trị theo triệu chứng.

 VIRUS ADENO lây lan nhanh trong cộng đồng qua đường giọt bắn, đường hô hấp; với các biểu hiện như sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá, hoặc khó thở ở trẻ có biểu hiện nặng. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày. Tình trạng lây nhiễm Virus Adeno diễn ra ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi. Các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus này gồm trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… có sức đề kháng kém.

Nếu không được điều trị kịp thời, virus Adeno gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Ngoài ra, bệnh có thể để lại những biến chứng lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như: hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi…

Cách nhận biết bệnh từ sớm và phòng tránh bệnh như thế nào? Phụ huynh hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về chủng virus này thông qua bài viết dưới đây.

 

Adenovirus ở trẻ em gây bệnh gì?

Adenovirus là một nhóm virus có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng. Nhiễm trùng Adenovirus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên chủng virus phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thống kê cho thấy, hầu hết trẻ bị nhiễm Adenovirus ít nhất một lần trước 10 tuổi.

Chủng virus Adeno không xảy ra theo mùa như các loại virus khác (ví dụ như virus cúm…), mà có thể xuất hiện quanh năm, đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa. (1)

Adenovirus được chia thành 7 nhóm có ký hiệu từ A đến G dựa trên các đặc điểm sinh lý, sinh hóa và sinh học phân tử. Trong đó, có hơn 50 type gây bệnh ở người và là mầm mống gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể.

Mô phỏng cấu trúc Adenovirus

Các tổn thương do Adenovirus thường gặp nhất là:

• Viêm đường hô hấp trên;

• Viêm đường hô hấp dưới;

• Viêm não màng não;

• Viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ);

• Viêm bàng quang;

• Các bệnh lý đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy…

“Hầu hết các nhiễm trùng do Adenovirus đều khá nhẹ. Tuy nhiên, trong giai đoạn nhiều dịch bệnh đang lưu hành, vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém. Một số loại virus có liên quan đến bệnh lý nặng nề hơn”,

Adenovirus ở trẻ nhỏ lây truyền qua đường nào?

Bác sĩ Tùng Lâm cho biết, sức sống của chủng virus Adeno khá tốt, chúng có thể tồn tại khoảng 30 ngày nếu sống ở nhiệt độ phòng. Trong điều kiện nhiệt độ 40 độ C, chúng có thể sống trong nhiều tháng. Nếu nhiệt độ -200 độ C, tuổi thọ của chúng có thể tính bằng năm. Chúng có thể nhân lên sau 30 giờ kể từ khi xâm nhập vào cơ thể. Chính tuổi thọ và khả năng nhân cao mà virus Adeno rất dễ lây lan trong cộng đồng.

Adenovirus ở trẻ em rất dễ lây lan, đặc biệt ở những nơi có tiếp xúc gần gũi như trường học, bệnh viện, trung tâm chăm sóc trẻ hoặc trại hè.

Thông thường, Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp khi nói chuyện trực tiếp với người bệnh hoặc khi người bệnh ho và hắt hơi. Việc sử dụng chung nguồn nước bị ô nhiễm khi bơi lội, cũng làm tăng nguy cơ nhiễm virus. Hoặc việc dùng chung đồ dùng cá nhân với người nhiễm virus cũng khiến trẻ tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Đường phân – miệng (nhiễm trùng đường tiêu hóa) cũng là tác nhân lây nhiễm Adenovirus khi trẻ rửa tay không thường xuyên hoặc không đúng cách. Khi chạm vào người bệnh hoặc đồ vật có virus, Adenovirus có thể tồn tại trên các bề mặt trong một khoảng thời gian khá dài. Do đó, chúng có thể lây lan qua đồ chơi, khăn tắm hoặc bất cứ đồ vật nào bị nhiễm bệnh.

Các triệu chứng bệnh thường bắt đầu khoảng 2 ngày đến 2 tuần kể từ khi trẻ tiếp xúc với Adenovirus. (2)

 

Adenovirus có thể tồn tại trên các mặt bám như mặt bàn, đồ chơi… và lây lan giữa các trẻ qua đường hô hấp hoặc giọt bắn

Nhóm trẻ em nào có nguy cơ nhiễm Adenovirus?

Nhiễm trùng Adenovirus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi có nguy cơ nhiều hơn bởi sức đề kháng kém. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo mẹ nên cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và kéo dài đến khi trẻ được 2 tuổi. (3)

Triệu chứng của nhiễm trùng Adenovirus ở trẻ em

Bác sĩ Tùng Lâm cho biết, triệu chứng của nhiễm Adenovirus sẽ phụ thuộc vào type Adenovirus trẻ bị nhiễm và cơ quan bị ảnh hưởng.

Thông thường, tình trạng nhiễm trùng Adenovirus thường xảy ra ở đường hô hấp. Các triệu chứng nhiễm Adenovirus tương tự như cảm lạnh thông thường. Trẻ bị sốt cao, có thể kéo dài trong vài ngày. Bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi, hoặc bị nhiễm trùng tai. Một số trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi.

Đau họng cũng là triệu chứng thường gặp ở trẻ bị nhiễm Adenovirus. Trẻ cũng có thể xuất hiện triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ, còn gọi là viêm kết mạc mắt.

 

Các triệu chứng nhiễm Adenovirus ở trẻ em tương tự như cảm lạnh thông thường

Ngoài ra, một số type Adenovirus có thể gây nhiễm trùng dạ dày và đường tiêu hóa, dẫn đến trẻ bị tiêu chảy, đau quặn bụng và các triệu chứng của viêm dạ dày. Một số trường hợp bị nhiễm trùng bàng quang, khiến tiểu buốt hoặc tiểu ra máu. Trẻ có vấn đề ở hệ thống miễn dịch có thể gặp phải nhiều triệu chứng nặng nề hơn. (4)

Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi trẻ bị nhiễm Adenovirus

Virus Adeno có khả năng lây lan rất nhanh trong cộng đồng, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

• Bệnh phổi mạn tính: Mặc dù hiếm gặp nhưng trẻ bị viêm phổi do Adenovirus có thể phát triển thành bệnh phổi mạn tính.

• Tình trạng nhiễm trùng nặng: Trẻ nhỏ có vấn đề ở hệ thống miễn dịch có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng hơn khi nhiễm Adenovirus.

• Lồng ruột: Là bệnh lý nghiêm trọng ở đường ruột gồm ruột non và ruột già, trong đó một đoạn ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng của đoạn ruột phía dưới gây tắc nghẽn sự lưu thông của đường ruột. Khi đoạn ruột phía trên chui vào kéo theo các mạch máu, khiến các mạch máu bị thắt nghẹt gây tổn thương đoạn ruột bên dưới và chảy máu. Bệnh diễn biến nhanh, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây hoại tử dẫn đến thủng ruột, gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng trẻ.

Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Để tránh các biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng trẻ, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu có các biểu hiện sau:

• Sốt cao hoặc sốt nhiều ngày, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

• Xuất hiện vấn đề về hô hấp.

• Trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc trẻ có vấn đề ở hệ thống miễn dịch.

• Bị viêm kết mạc mắt, đau mắt hoặc vấn đề thị lực.

• Bị nôn mửa, tiêu chảy hoặc có dấu hiệu mất nước như miệng khô, mệt mỏi, bơ phờ, đi tiểu ít hoặc ít ướt tã hơn.

Trẻ cần nhập viện điều trị nội trú khi có các biểu hiện sau:

• Khó thở: thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản.

• Suy hô hấp hoặc giảm oxy máu: tím, SpO2 < 94%.

• Có dấu hiệu toàn thân nặng: Nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng.

• Bệnh nền nặng: bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng…

• Tổn thương trên X-quang phổi: tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi, abces phổi (áp xe phổi – một nhiễm trùng phổi hoại tử được đặc trưng bởi một tổn thương dạng hang chứa mủ), tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi.

 

Phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu trẻ sốt cao hoặc sốt nhiều ngày không hạ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt

Cách chẩn đoán Adenovirus ở trẻ em

Bác sĩ Tùng Lâm cho biết, để chẩn đoán Adenovirus ở trẻ em, đầu tiên bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng dựa vào các triệu chứng trẻ mắc phải như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, viêm kết mạc mắt… Đối với trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc Adenovirus, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm máu, chụp X-quang tim phổi và xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh bằng kỹ thuật Realtime-PCR.

Kỹ thuật Realtime-PCR sử dụng mẫu bệnh phẩm là dịch hô hấp của trẻ, các cặp mồi là đoạn gen mã hóa cho các kháng nguyên đặc hiệu giúp phát hiện hầu hết các type Adenovirus gây bệnh. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh áp dụng kỹ thuật này trong chẩn đoán bệnh, thời gian thực hiện tương đối nhanh, dao động từ 70 phút đến 5 tiếng, độ chính xác cao lên đến 95-99%.

Phương pháp điều trị Adenovirus ở trẻ em

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Adenovirus. Trẻ bị nhiễm Adenovirus sẽ được cách ly ở phòng bệnh riêng. Điều trị bằng cách điều trị triệu chứng kết hợp nâng cao sức đề kháng của cơ thể và bổ sung vitamin C. Nếu điều trị đúng cách, trẻ có thể khỏi bệnh sau một vài ngày. Tuy nhiên, đối với những trẻ gặp vấn đề nhiễm trùng như viêm phổi, viêm kết mạc mắt… thì có thể kéo dài 1 tuần hoặc hơn.

Điều trị triệu chứng ở trẻ bằng cách:

• Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều;

• Uống nhiều nước;

• Uống Acetaminophen nếu triệu chứng sốt làm trẻ khó chịu;

• Vệ sinh mũi thường xuyên, có thể sử dụng máy tạo ẩm, phun sương hoặc thuốc nhỏ mũi nước muối để cải thiện triệu chứng nghẹt mũi ở trẻ, giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn;

• Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nôn mửa hoặc tiêu chảy không thể uống đủ chất lỏng, cần tiến hành điều trị mất nước.

• Đối với trẻ sơ sinh (đặc biệt là trẻ mới sinh và trẻ sinh non), trẻ có hệ miễn dịch kém, trẻ bị nhiễm Adenovirus nặng có thể cần hỗ trợ hô hấp, như thở oxy hoặc thở máy, dùng kháng sinh trong trường hợp có bội nhiễm viêm phổi.

Phụ huynh cần lưu ý, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào điều trị cho trẻ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn. Khuyến cáo phụ huynh không nên sử dụng thuốc có chứa Aspirin bởi có thể dẫn đến hội chứng Reye – một tình trạng hiếm gặp gây sưng phù não và gan, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như khả năng hồi phục ở trẻ.

 

Phụ huynh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định và hướng dẫn phác đồ điều trị đúng cách, không ảnh hưởng đến sức khỏe và phát triển của trẻ

Phòng ngừa Adenovirus ở trẻ em bằng cách nào?

Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ Tùng Lâm chia sẻ một số biện pháp phụ huynh cần đặc biệt lưu ý. (5)

• Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ:

Một chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp tăng sức đề kháng ở trẻ. Khi có sức đề kháng tốt, trẻ giảm được các nguy cơ mắc bệnh, trong đó có các bệnh ở đường hô hấp.

Các chuyên gia Nhi khuyến cáo, mẹ nên cho con bú ngay từ sau khi sinh, bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời đến khi trẻ được 2 tuổi. Khi trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn lên thực đơn hợp lý, bổ sung dinh dưỡng phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của trẻ.

• Đảm bảo vệ sinh và hướng dẫn trẻ vệ sinh đúng cách:

o Thường xuyên vệ sinh mũi họng, có thể sử dụng nước muối sinh lý làm sạch mũi cho trẻ mỗi ngày. o Hướng dẫn trẻ cách rửa tay đúng cách và nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên.

o Hướng dẫn trẻ cách ho và hắt hơi vào khăn tay hoặc khăn giấy, không ho và hắt hơi vào tay.

o Người giữ trẻ và chăm sóc trẻ cần lưu ý rửa tay sạch sẽ và thường xuyên.

o Chú ý giữ các bề mặt trẻ có thể tiếp xúc như mặt bàn, đồ chơi… được sạch sẽ. • Không để trẻ nhiễm lạnh, nhất là khi bước vào thời điểm giao mùa.

• Tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh. Nếu trường học có trẻ bị nhiễm Adenovirus, hãy đảm bảo trẻ được cách ly và bảo vệ tuyệt đối đến khi các triệu chứng bệnh biến mất.

• Không đưa trẻ đến những nơi công cộng đang có dịch bệnh như bệnh viện, trường học, nhà trẻ… Trường hợp bắt buộc, hãy đeo khẩu trang đầy đủ.

• Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

“Trường hợp trẻ có triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng và có điều trị kịp thời, phòng tránh được các nguy cơ biến chứng nguy hiểm xảy ra”, bác sĩ khuyến cáo.

 

Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ ho và hắt hơi vào khăn tay hoặc khăn giấy để tránh lây nhiễm virus vào môi trường xung quanh

Khoa Nhi BV NHÂN ĐỨC là một trong những địa chỉ tin cậy được đông đảo phụ huynh tin tưởng và lựa chọn trong chăm sóc sức khỏe con trẻ. Đội ngũ bác sĩ khoa Nhi giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tận tình với phụ huynh và tận tâm với các em nhỏ. Hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại tại bệnh viện hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong chẩn đoán bệnh chính xác. Phác đồ điều trị hiện đại trong can thiệp xử lý kịp thời và hiệu quả các bệnh lý ở trẻ nhỏ, trong đó có nhiễm trùng do Adenovirus.

Đặc biệt, tại Khoa Nhi cty cp bệnh viện quốc tế Nhân Đức có hệ thống giám sát dịch tễ và dự phòng lây nhiễm bệnh, giúp kiểm soát tình trạng lây nhiễm bệnh giữa các bệnh nhân đến thăm khám. Trẻ nhập viện điều trị tại khoa Nhi được sắp xếp cách ly, dự phòng lây nhiễm và điều trị, đảm bảo trẻ được điều trị hiệu quả bệnh lý mắc phải, không lây nhiễm chéo và mắc thêm bệnh giữa các trẻ.

Địa chỉ: Khu Lãm Làng, P. Vân Dương, TP. Bắc Ninh

Tel: 02223862300 , hotlline: 0888456115

Email: clinic.nhanduc@gmail.com

Wedsite: http://benhvienquoctenhanduc.com

http://benhvienquoctenhanduc.com/tag/12-benh-giao-mua-thu-dong-thuong-gap-o-tre-va-dau-hieu-nhan-biet

http://benhvienquoctenhanduc.com/tag/giao-mua-thu-dong-cac-benh-thuong-gap-o-tre http://benhvienquoctenhanduc.com/tag/kham-suc-khoe-lai-xe-o-bvdk-quoc-te-nhan-duc-can-chuan-bi-nhung-gi

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận